Giỏ hàng

“Bệnh” thường gặp của tài xế lái xe đường dài

Đa số tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gần đây đều rơi vào các xe khách hoặc xe tải chở hàng chạy đường dài. Tài xế xe khách và xe tải chạy đường dài mà không giàu kinh nghiệm sao? Không, tất cả họ đều rất dày dặn với nhiều kinh nghiệm “nằm gai nếm mật” với nghề. Ai cũng phải trải qua ít nhất 5 năm ôm vô lăng các loại xe nhỏ, xe lớn, rồi sau đó mới được thi nâng hạng lên D, lên xe khách hạng E. Chưa kể số đông là những tay kỳ cựu trên bốn mươi, năm mươi tuổi cầm lái… Vậy tại sao tai nạn vẫn xảy ra? Ngoài những lý do khách quan về yếu tố môi trường và tác động bên ngoài, thì lý do chủ quan ở chính các tài xế cũng chiếm phần lớn. Nguồn cơn là do những “căn bệnh” rất phổ biến ở những tài xế lái xe đường dài. Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những “bệnh” cần được chữa gấp của các bác tài dày dặn kinh nghiệm lái xe đường dài.

Bệnh lấn đường, lấn tuyến

Đầu tiên phải nói đến là bệnh lấn đường, lấn tuyến của các bác tài lái xe đường dài. Đây là căn bệnh kinh niên thường gặp nhất và hay gây tai hoạ nhất. “Lấn len” - ngôn ngữ của các bác tài chỉ việc lấn làn, lấn tuyến, lấn qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, lấn qua vạch giới hạn đường bộ…v.v.

Đặc thù đường miền núi nói riêng, đường Việt Nam nói chung là đường đèo dốc, quanh co uốn lượn, tầm nhìn hạn chế. Ngoài các biển báo nguy hiểm, người ta thường đặt các biển cấm, biển báo hạn chế tốc độ. Bên cạch đó ở trên tất cả các quốc lộ, hay tỉnh lộ, khi chưa có điều kiện đặt dải phân cách giới hạn hai chiều xe chạy riêng biệt, người ta dùng vạch liền nét để chia đường. Gặp vạch này người lái không được cho xe lấn qua, đặc biệt là những nơi quanh cua liên tiếp.

Luật là vậy nhưng có mấy ai thèm để tâm, để ý. Xe vào đường quanh co mà chân cứ đạp hết ga. Lực li tâm và lực quán tính, lực đẩy khiến chiếc xe luôn có chiều hướng bay ra ngoài lề đường, buộc các lái xe chỉ còn cách duy nhất là lấn đường. Tốc độ càng lớn thì phần đường ngược lại nguy cơ bị lấn, bị khoá càng cao.

Bệnh lái nhanh, vượt ẩu

Căn bệnh lái nhanh, vượt ẩu khi lái xe đường dài chính là nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Ngay cả khi đối đầu xe chạy ngược chiều, các tài xế vẫn có suy nghĩ muốn khẳng định tay lái và mang tâm lý chủ quan, không chịu nhường nhịn, hoặc vì lái xe chạy với tốc độ lớn mà không tránh kịp, dẫn đến kết cục là đâm vào nhau, không những gây nguy hiểm cho các bác tài mà còn làm cho hành khách đi xe hoặc hàng hóa “lãnh đủ”.

Bệnh chủ quan, xem nhẹ việc bảo dưỡng xe

Một “căn bệnh” rất phổ biến và đáng lo ngại nữa là chủ quan, lơ là trong việc bảo dưỡng xe. Chỉ một ví dụ đơn giản là khâu kiểm tra định kỳ hằng ca, hằng kíp. Ngoài việc thăm dầu, mỡ, nhớt, nước… thì khâu kiểm tra xiết chặt phải làm thường xuyên hàng ngày. Xe chạy văng bánh ra ngoài, mất lái bất ngờ, gãy, vặn xoắn, hoặc rớt cạc đăng ( trục nối, truyền động từ động cơ đến cầu trước, cầu sau ), gãy láp ( trục truyền động từ cầu đến các bánh chủ động)…phần lớn là do bất cẩn,  chủ quan, không kiểm tra, kiểm soát, xiết chặt, gia cố, sửa chữa kịp thời.

Bệnh xài đồ cũ

Tận dụng lốp cũ, lốp mòn, lốp không đúng kích cỡ, lốp đắp. Đây là một hiện tượng khá phổ biến ở các nhà xe hiện nay trong  thời buổi kinh tế khó khăn. Và thường rơi vào các xe chợ, xe dù, xe thu nhập kém, kể cả một số xe chất lượng cao. Hiểm hoạ thường xuyên rình rập là khôn lường và không ai dám nghĩ đến hậu quả… Nhưng vì đồng tiền, vì mưu sinh sống còn… Người ta đánh đổi tất cả và trông chờ vào may rủi!

Bệnh nói chuyện và nghe điện thoại khi lái xe

Còn rất nhiều căn bệnh chủ quan của cánh tài xế, chỉ xin nói về bệnh nói chuyện và nghe điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vào khu đông dân cư, thành phố, thị xã, thị trấn, chợ, trường học, nơi có nhà cửa gần đường, trẻ con, súc vật hay băng qua đường… Tài xế vẫn quay ngược, quay xuôi nói chuyện. Lúc thì nghe điện thoại phùng mang trợn mắt, lúc cao hứng khoa chân múa tay, cười nhắm mắt nhắm mũi, bỏ cả hai tay khỏi vô lăng lái... Ngoài những tai nạn khi có những tình huống bất ngờ xảy ra mà tài xế không kịp phản ứng, do lỗi thiếu quan sát, không làm chủ.

Không dùng điện thoại khi lái xe

Khi mặt đường thay đổi đột ngột, ổ gà, ổ voi, sống trâu, lầy lội, đất đá trôi ra, hay bị tha ra ngoài đường… Đường gần những lô cao su,  quá trình thay lá và phát tán hạt bị dòng xe cộ đè nát lâu ngày, khi xe qua những đoạn đường này trời nắng cũng trơn, trời mưa lại càng trơn trượt. Lái xe chỉ cần sao nhãng, không để ý, không phán đoán, lường trước thì tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Chúng tôi chia sẻ những “bệnh” thường gặp ở các tài xế lái xe đường dài và tác hại của chúng để tất cả chúng ta, chỉ cần ngồi trên xe và cầm vô lăng lái, dù là đường ngắn hay đường dài, cũng nên tránh những “căn bệnh” nguy hiểm trên để luôn lái xe an toàn.