Giỏ hàng

Nguyên nhân dẫn tới xe ô tô bị mất phanh và cách phòng tránh

Mất phanh khi đang lái xe ô tô là một trong những điều đáng sợ nhất đối với tài xế. Hiện tượng này dễ làm cho tài xế bị mất kiểm soát, trở nên hoảng loạn, nhất là đối với những người mới tập lái và thiếu kinh nghiệm, dẫn tới những tình huống rất đáng tiếc. Để phòng tránh xe ô tô bị mất phanh và đảm bảo an toàn cho chuyến đi, bạn cần hiểu rõ những nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nguyên nhân sẽ bao gồm yếu tố khách quan và chủ quan, có thể là do những tác động của môi trường xung quanh, cũng có thể do người lái hoặc do chính hệ thống phanh có vấn đề. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ từng nguyên nhân chính để có cách phòng tránh phù hợp nhé!


  1. Mất áp suất dầu phanh

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là mất áp suất dầu phanh. Phanh hoạt động được nhờ áp suất thủy lực bên trong hệ thống, do đó, nếu có sự rò rỉ dầu phanh trong đường ống dẫn dầu phanh hay xi lanh phanh thì hệ thống phanh sẽ không có đủ áp lực để thực hiện việc giảm tốc.

Khi xảy ra rò rỉ nghiêm trọng, đèn báo lỗi phanh sẽ sáng lên để cảnh báo cho bạn và chiếc xe sẽ không an toàn khi vận hành trong tình trạng này.



  1. Mực dầu quá thấp

Kiểm tra bình chứa dầu phanh, nếu mực dầu quá thấp nghĩa là đã có rò rỉ dầu phanh nghiêm trọng, cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống phanh để tìm ra nơi bị rò rỉ và khắc phục. Rò rỉ có nhiều nguyên nhân nhưng nếu mực dầu phanh quá thấp chứng tỏ phớt cao su làm kín trong hệ thống phanh bị vỡ hoặc đường ống dẫn dầu bị gỉ.

Các đường ống phanh được làm bằng đồng và có thể bị ăn mòn nhanh ở một số chỗ đặc biệt, sau một thời gian sẽ bị mài mòn và có chất lượng kém hơn những chỗ khác trên ống dầu, do đó dầu phanh sẽ bị rò rỉ và xe có thể bị mất phanh.


  1. Có không khí trong hệ thống

Nếu bạn đạp phanh nhưng tác dụng không mấy hiệu quả thì có thể là có không khí trong hệ thống. Lúc này bạn cần xả gió hệ thống phanh để loại bỏ các bọt khí. Đôi khi cũng có thể là do piston bên trong xi lanh chính bị hỏng.


  1. Bộ điều khiển ABS bị lỗi

Nguyên nhân khác có thể gây mất phanh là do bộ điều khiển ABS bị lỗi. Do sự rò rỉ nên áp suất bên trong giảm và không thể truyền hết được áp lực phanh khi đạp phanh.

Chất bẩn bên trong dầu phanh cũng có thể đi vào bộ điều khiển và ngăn không cho van nạp-xả đóng mở khiến cho phanh bị hỏng.


  1. Tài xế sử dụng phanh không đúng cách

Trên thực tế, hoàn toàn có thể khẳng định nếu người lái sử dụng phanh không đúng cách sẽ dẫn tới mất phanh. Mất phanh thường xảy ra với những xe chạy đường đồi núi, địa hình hiểm trở. Do lái xe thường sử dụng phanh quá nhiều, trong khi hệ thống phanh của hầu hết các xe đều được dẫn truyền lực phanh bằng dầu, nên khi rà phanh liên tục dễ sinh nhiệt. Nhiệt lượng sinh ra làm trơ lì má phanh, khiến dầu phanh trong xilanh có thể bị sôi, làm lộn cupen ở xilanh phanh và mỗi lần đạp phanh làm dầu phanh thất thoát ra ngoài, dẫn đến mất phanh.


Làm gì để phòng tránh xe ô tô bị mất phanh?

Theo các chuyên gia kỹ thuật ôtô cho biết, hiện tượng mất phanh là một trong những sự cố kỹ thuật cực kỳ nguy hiểm, dễ gặp khi xe ôtô liên tục phải đổ đèo vài chục km với tải trọng lớn. Với những xe hộp số tự động, khi mất phanh, bình tĩnh gạt cần số về số R (số lùi) để khóa chặt các bánh xe, hãm tốc độ bằng cách gạt cần số sang chế độ lái số sàn, chuyển từng số một: D3, D2, D1... căn cứ tốc độ xe tại thời điểm mất phanh. Tiếp theo là kéo phanh tay, tắt điều hòa để vòng tua máy không cao, khi ở số L, tốc độ giảm còn dưới 20km/h, tiếp tục kéo mạnh phanh tay nhấp, nhả.

Trong trường hợp xe xuống đèo, tài xế cần phải tuân thủ việc dừng nghỉ làm mát phanh sau đó sẽ vận hành như bình thường. Từ rất xa xưa, khi chưa có ôtô, con người khi qua một đèo, dốc hiểm trở, cheo leo bao giờ cũng có trạm dừng nghỉ dưới chân và trên đỉnh, giữa lưng chừng. Nhưng do chủ quan, tự tin vào tay lái và lực hãm phanh ôtô nên các tài xế thường chủ quan, bất chấp.

Ngoài việc người sử dụng xe phải đảm bảo đúng chế độ bảo dưỡng định kỳ của nhà sản xuất, trước các chuyến đường dài hay đường đèo dốc cần phải được kiểm tra kỹ hệ thống an toàn nói chung và hệ thống phanh nói riêng.

Phải chọn tốc độ an toàn khi vận hành đường đèo dốc với số thấp 1 hoặc 2 với xe số sàn và chế độ bán tự động/số ảo với xe số tự động/vô cấp. Phải sử dụng chân phanh nhấp nhả nhẹ nhàng để giảm tốc, không đạp phanh kéo dài gây nóng và cháy phanh.